Nội dung tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học

Trong tác phẩm này, Engels đã trình bày nội dung, bối cảnh lịch sử và lịch sử hình thành của chủ nghĩa xã hội không tưởng cũng như của chủ nghĩa xã hội khoa học. Tác phẩm gồm có ba chương[1]:

  1. Chương 1 trình bày các trường phái chủ nghĩa xã hội không tưởng, đánh giá những giá trị và hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng và chỉ ra những phương hướng để hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học.
  2. Chương 2 luận chứng về bản chất triết học của chủ nghĩa xã hội khoa học.
  3. Chương 3 luận chứng về khía cạnh kinh tế - chính trị của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trong tác phẩm này, Engels cho thấy chủ nghĩa xã hội khi từ không tưởng trở thành khoa học, thì đã không còn bị xem là một phát hiện ngẫu nhiên của một số người, mà là kết quả tất yếu của một cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp có thật trong lịch sử là giai cấp tư sảngiai cấp vô sản. Nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội không còn là chỉ thuần tuý nghiên cứu quá trình kinh tế - lịch sử sản sinh ra các giai cấp nói trên và sự đấu tranh giữa các giai cấp đó, mà còn căn cứ trên tình hình có thật ấy tìm kiếm ra những phương tiện để giải quyết cuộc xung đột này, cũng như chứng minh tính tất yếu của sự hình thành cũng như tiêu vong của chủ nghĩa tư bản và vạch ra tính chất bên trong còn chưa phát hiện được của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhiệm vụ này, theo Engels, được hoàn thành khi Karl Marx phát hiện ra quy luật về giá trị thặng dư.

Hai phát hiện vĩ đại ấy - quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất tư bản chủ nghĩa - là công lao của Mác. Nhờ hai phát hiện này chủ nghĩa xã hội đã trở thành khoa học, và giờ đây vấn đề trước hết là cần phải tiếp tục nghiên cứu nó trong mọi chi tiết và trong mọi mối liên hệ của nó.
— F. Engels